Thu gọn danh mục

Có rất nhiều thông tin liên quan đến Metoclopramid - điều trị một số dạng buồn nôn, đau nửa đầu, điều trị dạ dày, đường ruột… Việc chủ động tìm hiểu và nắm rõ về chỉ định điều trị cụ thể, cách dùng, liều dùng… sẽ giúp bệnh nhân trong việc dùng thuốc an toàn, hiệu quả, tránh các ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Những thông tin cơ bản về thuốc Metoclopramid

➧ Tên thuốc: Metoclopramid

➧ Tên khác: Metoclopramide

➧ Phân nhóm: Thuốc kích thích nhu động ruột và dạ dày

➧ Dạng thuốc và hàm lượng:

- Viên nén (5mg) (10mg)

- Siro: 5 mg/ml

- Thuốc tiêm: 5mg/ml; ống tiêm 2ml

METOCLOPRAMID: TÁC DỤNG, CHỈ ĐỊNH VÀ CHỐNG CHỈ ĐỊNH ĐIỀU TRỊ

Đối với người bệnh, việc sử dụng thuốc điều trị metoclopramid cần có sự kê toa, chỉ định và hướng dẫn sử dụng từ bác sĩ/ dược sĩ để đảm bảo an toàn, hiệu quả.

➤ Tác dụng

- Metoclopramid có khả năng làm tăng nhu động ruột của tá tràng, hang vị và hỗng tràng. Do cơ chế làm tăng độ co bóp của hang vị, giảm độ giãn phần trên của dạ dày… nên có khả năng giảm trào ngược axit dạ dày thực quản, làm rỗng dạ dày nhanh chóng.

- Metoclopramid còn làm phong bế thụ thể dopamine và tác dụng đối kháng trực tiếp lên thụ thể serotonin – 5HT3 giúp giảm buồn nôn và được sử dụng trong chống nôn do thực hiện hóa trị liệu điều trị ung thư, sau phẫu thuật hoặc do đau nửa đầu.

- Ngoài ra, Metoclopramid còn được sử dụng hỗ trợ xét nghiệm X.Quang và thủ thuật đặt ống thông tá tràng.

➤ Chỉ định điều trị

Thuốc Metoclopramid được chỉ định điều trị đối với những trường hợp sau:

- Buồn nôn và nôn do đau nửa đầu, hóa trị liệu trong điều trị ung thư hoặc sau phẫu thuật

- Điều trị ứ đọng dạ dày; ợ nóng kéo dài do trào ngược dạ dày - thực quản

- Điều trị liệt nhẹ dạ dày (làm giảm triệu chứng buồn nôn, nôn mửa, no bụng/dạ dày)

- Đối với buồn nôn và nôn mửa do say tàu xe, thuốc ít có hiệu quả

- Hỗ trợ giúp thủ thuật đặt ống thông vào tá tràng được dễ dàng

- Làm dạ dày tháo rỗng nhanh trong chụp X-quang.

➤ Chống chỉ định

Thuốc Metoclopramid được khuyến cáo chống chỉ định điều trị đối với những đối tượng sau:

- Mẫn cảm hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong thuốc; đã từng không dung nạp với thuốc trước đây.

- Người bị xuất huyết dạ dày - tá tràng

- Tắc ruột cơ học, thủng đường tiêu hóa

- Người có tiền sử bị bệnh động kinh

- Người bị u tế bào ưa crom (làm gia tăng huyết áp đối với nhóm bệnh nhân này)

- Người bị rối loạn vận động do thuốc an thần hoặc metoclopramid trước đó.

- Chống chỉ định sử dụng cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi

- Người bị nghi ngờ hoặc mắc u tủy tuyến thượng thận

CÁCH DÙNG VÀ LIỀU DÙNG METOCLOPRAMID

Tùy vào mục đích điều trị, tình trạng bệnh lý, sức khỏe và khả năng dung nạp thuốc của người bệnh mà bác sĩ sẽ có những chỉ định cụ thể về liều dùng, hướng dẫn cách dùng. Bệnh nhân cần tham khảo kỹ lưỡng từ bác sĩ chuyên khoa trước khi điều trị.

➤ Cách dùng

Có thể sử dụng thuốc Metoclopramid bằng đường uống, tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch. Để biết cách sử dụng cụ thể, bạn nên tham khảo thông tin từ bác sĩ chuyên khoa cũng như đọc kỹ các hướng dẫn in trên bao bì thuốc.

➤ Liều lượng

- Thuốc Metoclopramid có thể được sử dụng bằng đường uống, tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch.

- Liều lượng dùng tối đa một ngày không nên quá 0.5mg/ kg thể trọng. Bên cạnh đó, đối với trẻ nhỏ, bệnh nhân suy gan và thận… cần hiệu chỉnh liều dùng phù hợp.

BẢO QUẢN THUỐC

- Tránh để thuốc ở nơi ẩm ướt, hoặc nơi có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp

- Bảo quản chế phẩm Metoclopramid ở nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng dao động từ 15-30 độ C

- Dung dịch tiêm tĩnh mạch khi đã pha chỉ sử dụng trong vòng 48h (nếu bảo quản ở môi trường không có ánh sáng)

NHỮNG LƯU Ý CẦN NẮM KHI SỬ DỤNG METOCLOPRAMID

➤Thận trọng

- Bệnh nhân cao huyết áp, hen suyễn cần hết sức thận trọng khi sử dụng, bởi Metoclopramid có khả năng làm tăng nguy cơ co thắt phế quản, bùng phát các cơn hen cấp tính. Thuốc tim tĩnh mạch có thể giải phóng catecholamine làm tăng huyết áp nghiêm trọng hơn.

- Metoclopramid có thể dẫn đến chóng mặt, buồn ngủ trong thời gian dùng thuốc. Do đó, người lái xe, vận hành máy móc… nên cân nhắc ngừng hoặc hạn chế làm việc trong thời điểm này.

- Thuốc Metoclopramid có thể bài tiết qua sữa mẹ và gây tác động lên hệ thần kinh trung ương của trẻ. Do đó, thuốc khuyến cáo không nên sử dụng trong giai đoạn cho con bú.

- Metoclopramid có thể được chỉ định sử dụng an toàn cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên ở thời điểm 3 tháng cuối thai kỳ, thuốc có thể qua nhau thai và gây các triệu chứng ngoại tháp ở trẻ em. Do đó, chỉ sử dụng thuốc trong thời gian mang thai nếu có yêu cầu từ bác sĩ và theo dõi chặt chẽ trẻ sau khi sinh.

- Đối với trẻ em, thiếu niên và người cao tuổi thì có thể nhạy cảm hơn với hoạt động của thuốc. Cần cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng cho những đối tượng này.

- Ngoài ra, đối với những bệnh nhân có tiền sử bị trầm cảm, tâm thần, bệnh nhân bị Parkinson hoặc đã từng có ý định tự sát… cần xem xét trước khi chỉ định điều trị

- Đối với các bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến gan, thận… cần cân nhắc điều chỉnh liều dùng.

➤ Tác dụng phụ

Trong quá trình dùng thuốc metoclopramid tùy vào cơ địa từng người có thể một số trường hợp sẽ xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn như:

- Rối loạn tiêu hóa: Tiêu chảy, buồn nôn, táo bón hoặc khô miệng bất thường…

- Buồn ngủ (ngủ gà), mệt mỏi, bồn chồn, có cảm giác yếu cơ, chóng mặt

- Rối loạn trương lực cơ cấp tính (thường gặp hơn ở bệnh nhân nữ trẻ)

- Rối loạn ngoại tháp, hội chứng Parkinson (mất thăng bằng, run tay, khó nói, cứng đơ cẳng chân); đứng ngồi không yên, trầm cảm, ảo giác...

- Tác dụng hiếm gặp: Mất kinh, tăng prolactin huyết, hạ/ tăng huyết áp, nổi mề đay, có cảm giác sưng vú, mất bạch cầu hạt, nhịp tim không đều (thường gặp ở người tiêm tĩnh mạch)...

Lưu ý: Nếu trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân nhận thấy cơ thể có biểu hiện bất thường, cần ngưng sử dụng và báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa điều trị để được kiểm tra, hỗ trợ xử lý an toàn.

Trong trường hợp xuất hiện triệu chứng ngoại tháp, bác sĩ sẽ yêu cầu giảm liều lượng (xuống dưới 500 microgam/ kg). Nếu các triệu chứng không được cải thiện, bác sĩ yêu cầu ngưng sử dụng thuốc và có những chỉ định điều trị thay thế để đảm bảo an toàn.

➤ Tương tác thuốc

Việc sử dụng Metoclopramid với một số loại thuốc dưới đây có khả năng xảy ra tương tác thuốc, làm biến đổi hoạt động của thuốc điều trị; mất tác dụng thuốc hoặc phát sinh những triệu chứng nguy hiểm.

- Bromocriptin, Suxamethonium, Ciclosporin,… cần được cân nhắc kỹ trước khi dùng

- Metoclopramid đối kháng với hiệu lực của Pergolid và Bromocriptin:

- Metoclopramid khi dùng chung với Digoxin và Cimetidine sẽ làm giảm hấp thu thuốc

- Metoclopramid dùng chung với Ciclosporin làm tăng khả năng hấp thu

- Metoclopramid dùng chung với Suxamethonium sẽ làm kéo dài tác dụng chẹn thần kinh của loại thuốc này.

- Thuốc ngủ gây nghiện, thuốc chống tiết choline, thuốc an thần... đối kháng với tác dụng của thuốc Metoclopramid, gây rối loạn ngoại tháp.

- Sử dụng Metoclopramid với rượu: Có thể làm tăng khả năng ức chế lên hệ thần kinh trung ương.

➤ Tương kỵ

Dung dịch tiêm Metoclopramid tương kỵ với một số hoạt chất sau:

- Cephalosporin

- Cephalotin natri

- Cloramphenicol natri

- Furosemid

- Penicillin G kali

- Erythromycin lactobionat,…

➤ Hướng dẫn xử lý quá liều

Đối với trường hợp sử dụng metoclopramid quá liều có thể dẫn đến các triệu chứng ngủ gà và lú lẫn.

Đối với trường hợp này, bác sĩ có thể xử lý bằng cách dùng Benzatropin tiêm bắp (1 – 2mg) hoặc Diphenhydramin (50mg) tiêm bắp.

Những thông tin được đề cập liên quan đến metoclopramid được tổng hợp lại và chỉ mang tính chất tham khảo, không có giá trị thay thế chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa điều trị. Các chuyên gia Phòng Khám Đa Khoa Hoàn Cầu không đưa ra bất kỳ tư vấn, tham vấn nào. Hãy liên hệ với bác sĩ điều trị trực tiếp để được tư vấn cụ thể, chính xác.

Tư vấn qua chat trực tuyến tại đây

Đừng ngại chia sẻ tình trạng của bạn với các bác sĩ chuyên khoa chúng tôi, bởi mọi thắc mắc của bạn sẽ được các bác sĩ giải đáp và cho lời khuyên tốt !!!

Địa chỉ: 80 - 82 Châu Văn Liêm P.11 Q.5 Tp.HCM